Tìm kiếm tin tức
Vận dụng các thiết chế thúc đẩy phát triển công nghệ số
Ngày cập nhật 31/10/2024
Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi số đang là cơ hội vàng thúc đẩy phát triển các ngành nghề, lĩnh vực và kinh tế - xã hội của địa phương. Để tận dụng những lợi thế tốt nhất, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghệ thông tin (CNTT).
 
 

 Công nghệ thông tin đang phục vụ đắc lực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị thông minh

Xây dựng nền tảng

Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, Thừa Thiên Huế đã có bước đi đúng trong phát triển CNTT, dành sự quan tâm rất lớn đến lĩnh vực này. Từ năm 2000 đến nay, Thừa Thiên Huế xác định, phát triển CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn và đã đạt được những thành quả đặc biệt, là một trong những địa phương của cả nước đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Nhiều năm liền, tỉnh ta đứng trong top đầu về chỉ số ICT Index - mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT…

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị cũng xác định CNTT và truyền thông là đột phá, phát triển KH&CN của tỉnh theo cơ chế thị trường; hình thành khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao và các tổ chức nghiên cứu đủ sức giải quyết các nhiệm vụ KH&CN của vùng và quốc gia, trở thành trung tâm lớn của cả nước về KHCN. Đây là định hướng rất rõ ràng, song muốn hình thành một nền KHCN đủ mạnh, ngoài cơ sở vật chất, con người là yếu tố then chốt.

Ứng dụng CNTT trong việc tổ chức thi bằng lái xe cơ giới 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị đào tạo nguồn nhân lực CNTT, như Trường đại học Khoa học, Trường đại học Sư phạm, Trường đại học Kinh tế, thuộc Đại học Huế. Ngoài ra, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cuộc CMCN 4.0, năm 2019 Đại học Huế đã thành lập Khoa Kỹ thuật và Công nghệ để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao KH&CN nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế về đào tạo KHCN, phục vụ cộng đồng, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực số.

Một trợ lực khác thúc đẩy phát triển lĩnh vực CNTT trên địa bàn khi vào cuối năm 2022, Làng Công nghệ AI quốc gia ra đời và Huế được chọn là Trưởng Làng đã mở đầu cho xu hướng mới. Đây được xem là một cổng kết nối quốc tế đến với Việt Nam, đến với Thừa Thiên Huế, giúp tìm kiếm những tài năng của Việt Nam đến những sân chơi lớn. Đồng thời, lan tỏa, góp phần đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo từng bước ứng dụng vào cuộc sống.

Phát triển nhân lực về công nghệ

Với hơn 10.000 người đang cần được đào tạo phục vụ cho ngành CNTT và các ngành khác phục vụ cho CNTT vào năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh mở ra cơ hội nghề nghiệp cũng như sản phẩm công nghệ số, chuyển đổi số... Để có được nguồn nhân lực này, những đơn vị, trường, viện, trung tâm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, sử dụng, sản xuất sản phẩm có liên quan đến công nghệ số đã xây dựng những chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể.

CNTT đã đóng góp đắc lực vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong thời đại bùng nổ công nghệ số

Trung tâm CNTT tỉnh đã và đang hợp tác với Tập đoàn Aptech - Ấn Độ để tổ chức đào tạo các khóa lập trình CNTT tại trung tâm, nhằm đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế cho Khu CNTT tập trung sau này. Ngành KH&CN phối hợp với một số ngành liên quan triển khai đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030" nhằm đánh giá thực trạng, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực công nghệ cao của tỉnh.

Trong công tác đào tạo các lĩnh vực có liên quan đến công nghệ 4.0, hiện Đại học Huế có khoảng 30 ngành đào tạo đại học, sau đại học có liên quan đến công nghệ số được phân cấp quản lý và đào tạo cho 2 trường đại học thành viên (Trường đại học Sư phạm, Trường đại học Khoa học) và Khoa Kỹ thuật và Công nghệ. Đại học Huế cũng đã hợp tác xây dựng, phối hợp đào tạo cùng với doanh nghiệp các khóa chuyên sâu, ngắn hạn, các khóa chuyển đổi nghề nghiệp tập trung cho nhân lực.

Gần đây, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có những lĩnh vực liên quan đến công nghệ 4.0 trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển. Đơn cử, đã hợp tác với Trung tâm đào tạo và mô phỏng kỹ thuật HueBIM trong việc đào tạo các kỹ năng về ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế mô phỏng kỹ thuật các lĩnh vực điện, điện tử, trí tuệ nhân tạo, cơ khí và xây dựng. Hay hợp tác với Công ty cổ phần FUJINET SYSTEMS, Công ty TNHH LogiGear Việt Nam về lĩnh vực phát triển và xuất khẩu phần mềm, cung cấp giải pháp công nghệ mới, đồ họa, nhập dữ liệu… Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế còn ký hợp tác cùng Công ty DEHA Việt Nam, giúp mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội tiếp xúc thực tế, trau dồi kỹ năng và chủ động nắm bắt cơ hội việc làm, thực tập phù hợp tại công ty cũng như nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT...

Cùng với nền tảng thiết chế về hạ tầng, con người và nguồn lực đầu tư từ bên ngoài sẽ tạo nên một hệ sinh thái công nghệ số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... của địa phương, đồng thời đóng góp vào vận hành khu CNTT tập trung của tỉnh sau này.

 
 
 


 

 

HOÀI NGUYÊN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.790.988
Truy cập hiện tại 149