Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn để các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển.
Định hướng phát triển
Năm 2023, tỉnh đã đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9.374,1 tỷ đồng. Trong đó, địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp cấp mới 11 dự án đầu tư với vốn đăng ký 4.084,4 tỷ đồng; ngoài địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp cấp 14 dự án với vốn đăng ký 5.289,7 tỷ đồng.
Hiện nay, các dự án đã triển khai trên địa bàn tỉnh tạo động lực phát triển lớn. Điển hình như, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế;… Tiến độ nhiều dự án lớn cũng được đảm bảo. Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trần Hữu Thuỳ Giang cho biết, năm 2024, trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ khởi công thêm nhiều dự án khác, đồng thời một số dự án lớn sẽ đi vào hoạt động. Đây là tín hiệu rất đáng mừng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh sự chuyển động của chính quyền tỉnh trong hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư… thì việc cải thiện môi trường đầu tư luôn được tỉnh quan tâm. Cú “lội ngược dòng” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), điểm số tăng dần qua các năm cho thấy điều đó. Mới đây, Thừa Thiên Huế cũng là địa phương dẫn đầu về chỉ số PAPI năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để đạt được kết quả tối ưu trong công tác xúc tiến đầu tư, hàng năm, tỉnh xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư và đưa ra quan điểm, định hướng và mục tiêu trong việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.
Khởi công Dự án Nhà máy Sản xuất Mũ bảo hiểm EON Industry Việt Nam tại Khu công nghiệp Gilimex, phường Phú Bài
Hiện nay, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là cơ hội để Thừa Thiên Huế tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa kinh tế - chính trị, phát huy thế mạnh đặc thù, tận dụng thời cơ trong giai đoạn mới, nhằm phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, quy hoạch cũng giúp các nhà đầu tư có thể nhận diện được những tiềm năng, lợi thế và các định hướng cụ thể khi lựa chọn đầu tư vào tỉnh.
Theo quy hoạch, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đến năm 2030 sẽ xây dựng thêm các đường lăn, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng dân dụng và sân đỗ máy bay đáp ứng công suất khai thác 7 triệu hành khách/năm, 200.000 tấn hàng hoá/năm (hoặc lớn hơn khi có nhu cầu); nâng cấp sân bay đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E, sân bay quân sự cấp I; hình thành cảng cạn ICD kết nối với cảng hàng không, cảng biển. Đến năm 2050, xây dựng thêm đường cất hạ cánh; hạ tầng đồng bộ đạt công suất 12 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn Quốc gia Bạch Mã và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch; Khu bến Chân Mây đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; Khu bến Thuận An đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn; Khu bến Phong Điền đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn…
Trong tiến trình phát triển đô thị, quy hoạch cũng định hướng Vùng Tây Bắc sẽ xây dựng đô thị trung tâm Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía Bắc của tỉnh; Vùng Đông Nam phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía Nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Đáng chú ý là việc xây dựng Cảng Chân Mây trở thành cảng container, cảng du lịch, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; gắn với Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng và hệ thống đấu nối giao thông quốc gia với các đường bộ trở thành trung tâm logistics xanh của vùng và quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, việc hoàn thiện hạ tầng đô thị, các khu kinh tế, công nghiệp sẽ góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu.
Ngay trong ngày công bố quy hoạch, ngoài những dự án được trao giấy chứng nhận quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhiều nhà đầu tư đã được trao văn bản thống nhất nghiên cứu dự án. Đây đều là những dự án lớn, mang tính chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.
Chỉ đạo về thu hút đầu tư, Thủ tướng đề cập đến tinh thần "ba cùng": "Cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển".
Từ các bản quy hoạch, Thủ tướng đã đặt mục tiêu cho Huế - Thành phố trực thuộc Trung ương gọn trong 13 chữ: "Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững". 13 chữ dẫu không quá dài nhưng hàm ý rất rộng. Ông muốn gửi gắm niềm tin, sự quyết tâm tạo ra động lực mới cho một Huế cổ kính trong tương lai.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: mặt đất, mặt nước-biển, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể và bao trùm; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học và từng bước thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Nếu có nhà tư vấn tốt thì sẽ có quy hoạch tốt, từ quy hoạch tốt sẽ dự án tốt, có dự án tốt thì sẽ có nhà đầu tư tốt, góp phần thực hiện quy hoạch hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phải huy động tốt mọi nguồn lực hợp pháp và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này cho các động lực tăng trưởng truyền thống; tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới như, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ…Đầu tư phát triển yếu tố con người nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường kết nối vùng, kết nối với quốc tế thông qua kết nối văn hóa, du lịch, kết nối giao thông và kết nối thị trường. Đẩy mạnh hạ tầng chiến lược, đồng bộ, bao trùm; phát triển công nghiệp phục vụ công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, chế biến chế tạo… ; ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Và trước mắt, tỉnh cần có kế hoạch cho công tác phổ biến, quán triệt quy hoạch bằng nhiều hình thức. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong dân, phát huy nội lực từ dân.