Sáng ngày 03/10, tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tham dự buổi làm việc với đồng chí Thứ trưởng, về phía Sở Thông tin và Truyền thông có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở, các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở và Ban Giám đốc Trung tâm IOC.
Tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, thời gian qua, trên cơ sở định hướng Bộ Thông tin và Truyền thông, sự quan tâm, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thừa Thiên Huế đã có những bước chuyển biến tích cực, những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong hoạt động phát triển Chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh tại địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận tham gia của quần chúng nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuyển đổi hơn 30 hệ thống thông tin từ giai đoạn phát triển Chính quyền điện tử thành 4 nền tảng dùng chung cho giai đoạn phát triển Chính quyền số bao gồm: Nền tảng xác thực; Nền tảng làm việc số; Nền tảng báo cáo số; Nền tảng bản đồ số. Thông qua việc xác thực định danh với cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung bao gồm: Người dân, công chức, viên chức xác thực thống nhất qua CSDL Quốc gia Dân cư do Bộ Công an quản lý; Doanh nghiệp xác thực thống nhất quá CSDL Doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu quản lý; Cơ quan nhà nước xác thực qua CSDL Mã định danh do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý đã khắc phục được nhiều hạn chế bất cập từ các phương thức xác thực khác và tạo ra được cơ sở pháp lý cho các hoạt động tương tác trên không gian số, cũng là cơ sở cho hoạt động công khai, minh bạch trên không gian số.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trao đổi tại buổi làm việc
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cũng được nghe giới thiệu tổng quan cũng như các tính năng, quy trình thu thập, xử lý dữ liệu, các bài toán đã áp dụng tại các nền tảng số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Liên quan đến Dịch vụ công trực tuyến, đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ một số hạn chế, vướng mắc tại địa phương trong thời gian qua. Đồng thời báo cáo, đề xuất với Thứ trưởng Phạm Đức Long một số giải pháp toàn diện Sở đang tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhằm nâng cao kết quả dịch vụ công trực tuyến. Từ đó, đưa ra một số đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến việc có ý kiến trong ban hành các thủ tục hành chính của các bộ, ngành, Trung ương; phương thức đánh giá của Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Chuẩn hóa bộ công cụ giám sát kết quả bằng dữ liệu phát sinh trực tiếp từ giao dịch; về chính sách thúc đẩy chữ ký số công cộng; chính sách cho Tổ công nghệ số cộng đồng cũng như nâng cao chất lượng của dịch vụ bưu chính công ích.
Qua nội dung báo cáo, trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá cao những kết quả Sở Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong tham mưu hoạt động chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh tại địa phương, đặc biệt là công tác thu thập, số hóa, xác thực và liên thông, quản lý dữ liệu.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn báo cáo tại buổi làm việc
Qua đó, đồng chí Thứ trưởng mong muốn Thừa Thiên Huế trên cơ sở dữ liệu hiện có cần phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành xây dựng các kịch bản tổng thể, thực hiện các bài toán phân tích nhằm phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp AI trong vận hành các dịch vụ đô thị thông minh tại địa phương giảm bớt khối lượng, nâng cao chất lượng công việc cho cán bộ vận hành, giám sát; Tham mưu thí điểm mô hình xã hội hóa giám sát camera đảm bảo trật tự đô thị tại một số tuyến đường từ đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc: