Tìm kiếm tin tức
Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Đại học Huế
Ngày cập nhật 20/02/2023
(CTTĐT) - Chiều ngày 17/02, Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (VHGD) của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Dự buổi làm việc có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo Đại học Huế và các trường Đại học thành viên.
Tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế đã khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Đại học Huế. Đại học Huế, tiền thân là Viện Đại học Huế, được thành lập từ năm 1957. Trải qua hơn 65 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế là cơ sở giáo dục (CSGD) đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thừa Thiên Huế, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; luôn xếp trong tốp các CSGD đại học tốt nhất Việt Nam, tốp 351-400 các đại học hàng đầu châu Á.

Đại học Huế luôn tự hào về truyền thống, vị thế và vai trò, tầm vóc của một CSGD quốc gia, mang trong mình những đặc sắc và tinh hoa trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Tính đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Huế được đánh giá là đặc biệt rõ nét với đầy đủ các ngành, nhóm ngành đào tạo với nhiều chuyên gia đầu ngành ở tất cả các lĩnh vực. Sứ mạng của Đại học Huế là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước; phát huy truyền thống đào tạo tinh hoa, chất lượng cao kết hợp với nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra các sản phẩm khoa học - công nghệ tiên tiến, hiệu quả. Đại học Huế hướng đến một hệ thống đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và xếp hàng đầu châu Á, nhóm 500 thế giới vào năm 2045.

Đại học Huế đã từng bước thực hiện công tác xây dựng hệ thống quản lý các cấp theo tiêu chuẩn quốc gia, từng bước xây dựng các trường đại học thành viên theo mô hình đại học thông minh, nâng cao hiệu quả quản trị trong toàn hệ thống.  Xây dựng đội ngũ viên chức và giảng viên đảm bảo về số lượng, có phẩm chất đạo đức làm việc chuyên nghiệp và sáng tạo, đáp ứng quá trình thực hiện sứ mạng của 12 Đại học Huế. Tính đến ngày 31/12/2022: Đại học Huế có 783 Tiến sĩ/1.905 giảng viên, đạt tỷ lệ: 41,10%; 218 giáo sư, phó giáo sư, đạt tỷ lệ 11,44%. Các đơn vị thành viên thực hiện công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ thông qua việc khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, viên chức tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức Quốc phòng - An ninh, lý luận chính trị phù hợp với năng lực cá nhân và nhu cầu của đơn vị.

Về phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, xác định thực hiện thành công Nghị quyết Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về việc “Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong Top 300 các trường đại học hàng đầu châu Á”.

Các đại biểu trao đổi tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Đại học Huế đã có những đề xuất, kiến nghị đến đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia. Kiến nghị cần có quy định cụ thể về thành lập đại học quốc gia, ngoài chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, cần quy định cụ thể vị thứ xếp hạng, bảo đảm các điều kiện về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động cho Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho các ngành đào tạo đặc thù như khoa học cơ bản, nghệ thuật, Nông-Lâm-Thủy sản, đặc biệt là cấp thêm ngân sách đảm bảo cho nhiệm vụ đào tạo tinh hoa của cơ sở giáo dục đại học đào tạo nghệ thuật.

Về giao quyền tự chủ,  kiến nghị cần xây dựng quy định và ban hành khung pháp lý rõ ràng hơn để các đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2 của Đại học Huế thực hiện việc điều hành, quản lý vừa đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính đặc thù để phù hợp với mô hình 2 cấp như của Đại học Huế. Tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn và nguồn lực để thực hiện thành công chiến lược phát triển Trường và Bệnh viện Trường đạt tiêu chuẩn khu vực và hướng đến đạt chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu của đoàn công tác, cán bộ quản lý các trường đại học trực thuộc ĐH Huế đã có nhiều trao đổi, thảo luận về một số nội dung có liên quan đến việc triển khai thực chính sách, pháp luật giáo dục, đào tạo; quan tâm đến công tác chất lượng gắn với nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế vừa đáp ứng yêu cầu xu thế sáng tạo, hội nhập, vừa đảm bảo chất lượng, uy tín, học hiệu của Nhà trường; một số nội dung về cơ chế tài chính, phân cấp tự chủ cao cho các trường ĐH thành viên nhưng vẫn đảm bảo có điều tiết phù hợp, tạo sự gắn kết, cộng hưởng để phát triển…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận và đánh giá cao việc đào tạo, giảng dạy với bề dày truyền thống của Đại học Huế trong thời gian qua. Đại học Huế đã xác định được chức năng, sứ mạng của mình, phát huy truyền thống đào tạo tinh hoa, chất lượng cao kết hợp với nghiên cứu khoa học trong tầm nhìn phát triển của Đại học Huế. Qua đó, đại học Huế cần rà soát, đánh giá nhu cầu, cũng như chất lượng trong việc đào tạo nguồn nhân lực của khu vực miền Trung và Tây nguyên. Có nhận định xu hướng và đánh giá cụ thể để từ đó có những chính sách hoạch định cho sự phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ĐH Huế cần tiếp tục xây dựng lực lượng, xây dựng năng lực nghiên cứu gắn với những thế mạnh nghiên cứu khoa học của ĐH Huế và đặc điểm của tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và cả nước. Trước những khó khăn, ĐH Huế và các đơn vị đào tạo cần rà soát, đánh giá lại một cách sâu sát thực trạng, nguyên nhân, phát huy vai trò của mình để nghiên cứu, đưa ra những giải pháp phù hợp.

Theo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, trong giáo dục ĐH có nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất tăng đầu tư cho giáo dục ĐH và đảm bảo chế độ chính sách cho giảng viên ĐH, giữ chân người tài. Những vấn đề này cần có những giải pháp cụ thể về mặt chính sách. Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của ĐH Huế và các trường, đơn vị thuộc ĐH Huế, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội có những trao đổi theo đúng thẩm quyền và sẽ tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Quốc hội. Những vấn đề cần có sự đồng hành, hỗ trợ, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội sẽ luôn gắn kết, hỗ trợ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.294.597
Truy cập hiện tại 1.586