Tìm kiếm tin tức
Các biện pháp phòng chống say nóng, say nắng
Ngày cập nhật 29/05/2023

Trong những ngày nắng nóng nhất của mùa hè, nhiệt độ cao nhất lên tới 39oC, có những thời điểm, nhiệt độ ngoài trời đạt ngưỡng hơn 40oC.  Thời tiết khắc nghiệt như hiện tại đã và đang ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người dân, nhất là những người phải lao động trực tiếp ngoài trời hay làm việc trong môi trường nóng bức.

          Say nóng, say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt (do làm việc trong môi trường nóng bức hoặc nắng nóng kèm theo có hoặc không có hoạt động thể lực quá mức) vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều hòa thân nhiệt, làm trung khu điều hòa thân nhiệt bị rối loạn mất kiểm soát. Say nắng luôn kèm theo say nóng.

            Say nóng và say nắng có đặc điểm chung là đều gây tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng tiết mồ hôi làm cơ thể mất một lượng lớn nước và các chất điện giải, nếu không được bù nước và các chất điện giải kịp thời sẽ làm giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, nặng có thể gây tử vong.

Người bị say nắng, say nóng thường có những dấu hiệu ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực sau đó xuất hiện trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... nặng hơn là ngất, trụy tim mạch, hôn mê.

            Khi phát hiện người có biểu hiện say nắng, say nóng cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp sơ cứu để hạ thân nhiệt cho nạn nhân. Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn như nách, bẹn, cổ. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ. Tốt nhất là uống nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn. Lưu ý không để nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút sơ cứu, các triệu chứng của say nóng, say nắng giảm đi, nạn nhân sẽ dần trở lại trạng thái bình thường. Đối với trường hợp có biểu hiện nặng, đã tiến hành sơ cứu nhưng triệu chứng không thuyên giảm, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

            Để phòng chống say nắng, say nóng hiệu quả, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như thời điểm hiện tại, người dân cần áp dụng các biện pháp sau:

            Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nắng nóng khi không cần thiết, nhất là khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều (vì thời điểm này nhiệt độ ngoài trời là cao nhất); nếu bắt buộc phải ra ngoài trời nắng nóng thì cần đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang, đeo kính bảo hộ.

            Nên uống nước đều đặn trong ngày, mỗi người tối thiểu uống 2 lít nước mỗi ngày, không chỉ uống nước trong thời gian làm việc mà uống nước ngay cả khi nghỉ ngơi. Không nên sử dụng các loại đồ uống có cồn. Nên ăn thêm nhiều hoa quả có tính giải nhiệt như dưa hấu, nước dừa, nước cam.

            Đối với những người làm việc ngoài trời trong thời tiết nắng nóng (thợ xây, thợ điện) cần áp dụng các biện pháp như: bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày như vào sáng sớm hoặc chiều muộn; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp để chống nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính để hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể; mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi.

            Với  những người làm việc trong môi trường nhiệt độ cao cần bố trí thời gian làm việc hợp lý như: làm việc khoảng 45 phút đến 1 giờ thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút, tránh làm việc quá sức; nên hoạt động thể lực vừa phải theo sức của từng người. Đồng thời cần thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió…/.

BS. Thu Nam

BS Thu Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.294.597
Truy cập hiện tại 1.811