Tìm kiếm tin tức
Bảo vệ quyền lợi người lao động bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc
Ngày cập nhật 02/08/2023

Ngày 21/7 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo Lao Động, Báo Bảo vệ pháp luật tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc”.

Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu đã đề cập đến thực tế hiện nay là người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thời gian qua xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần cũng không được, về hưu nhưng không lương hưu… Dù vậy, việc xử lý các hành vi vi phạm này vẫn còn vướng mắc.

hị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc Phân xưởng may Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex) nghẹn ngào kể câu chuyện công ty mình: Công ty nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ bảo hiểm xã hội của người lao động là hơn 15 tỷ đồng. Trong 6 năm ròng rã, người lao động đi tìm gặp lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được luôn là doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động. Do bị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Ở công ty, hai chị em Lê Thị Là và chị Lê Thị Ngân là khó khăn nhất. Chị Là hai lần sinh con nhưng đến thời điểm trước tháng 3/2023, chưa được nhận chế độ thai sản. Chị Ngân, em gái chị Là không may qua đời năm 2012, nhưng tới trước tháng 3/2023 gia đình vẫn chưa được nhận tiền tử tuất", chị Huyền dẫn chứng.

Đáng mừng là người lao động của công ty đã không bỏ cuộc! Sau nhiều lần kiên trì tìm gặp lãnh đạo công ty đòi quyền lợi không kết quả, đã làm đơn kêu cứu, phản ánh sự việc với các cơ quan báo chí.

"Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động hơn 15 tỷ đồng. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã chốt sổ bảo hiểm xã hội cho gần 100 người lao động còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex để đảm bảo quyền lợi cho họ", chị Huyền phấn khởi thông tin.

Khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động như không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác... Hệ quả này còn tác động đến gia đình của người lao động và cả xã hội - ông Pham Nghiêm Long, Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cảnh báo.

"Dù các quy định của pháp luật cơ bản ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của chủ thể tham gia nhưng vẫn chưa thể bao quát bảo vệ quyền lợi của các chủ thể, trong đó có người lao động, khiến họ phải chịu hậu quả", ông Long nói.

Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Đức Hạnh cho hay, theo số liệu thống kê từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội, khiến xã hội không thể phát triển bền vững. Phòng ngừa, truy cứu trách nhiệm và xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là đòi hỏi khách quan, bức thiết trong việc xây dựng, hình thành một xã hội văn minh, ổn định, vì quyền lợi của người dân, ông Hạnh bày tỏ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chỉ rõ, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ bảo hiểm xã hội để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Lợi thế này không phải là lợi thế pháp luật cho phép, vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đề cập đến khía cạnh công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng việc triển khai lại chưa được như mong đợi, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn phân tích, việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Tố tụng dân sự. Trong quá trình xây dựng luật, thẩm tra luật đã không để ý đến sự thống nhất, nên các đạo luật có sự mâu thuẫn nhau. Có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở; có đạo luật bắt buộc người lao động phải uỷ quyền, có đạo luật thì yêu cầu chung. Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra tòa, nhưng đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc.

Đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội có quy định để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi kiện thì phải do người lao động uỷ quyền, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu  kiến nghị xem xét sửa lại quy định này. 

"Theo Điều 10 Hiến pháp, công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động vì vậy với công đoàn không nên đặt ra vấn đề uỷ quyền. Trong thực tế có nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn, chục nghìn người lao động, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian, để tiến hành khởi kiện sẽ rất lâu", ông Hiểu nói.

 

 

thuathienhue.baohiemxahoi.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.294.597
Truy cập hiện tại 1.751