Tìm kiếm tin tức
Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản làng cổ Phước Tích
Ngày cập nhật 22/09/2022
Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại làng cổ Phước Tích đã góp phần quang trọng trong việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống vốn có từ đó thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm.
Du khách thưởng thức các món ăn dân dã của người dân làng Cổ Phước Tích tại phiên chợ “Hương xưa làng cổ”
Du khách thưởng thức các món ăn dân dã của người dân làng Cổ Phước Tích tại phiên chợ “Hương xưa làng cổ”
 
 

Làng cổ Phước Tích là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2009. Với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ dày đặc loại ba gian hai chái và một gian hai chái, hệ thống kiến trúc gỗ tinh tế, bàn ghế, tràng kỷ, bản thờ tủ...được chạm khắc kỹ lưỡng, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chăm Pa, hệ thống đường xá cây xanh nối liền nhau một cách tự nhiên và sinh động…Tất cả mang đậm chất Bắc Trung bộ vẫn còn được lưu giữ các giá trị truyền thống một cách nguyên vẹn. Theo ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, trải qua 548 năm tồn tại và phát triển, làng cổ Phước Tích còn lưu giữ được những giá trị độc đáo của một ngôi làng di sản. Phước Tích vẫn còn bảo lưu khá nguyên vẹn 38 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 12 ngôi nhà thờ họ, phái, 26 nhà ở của dân. Tất cả những ngôi nhà rường này đều trên 100 năm tuổi và đều được chạm khắc những họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo. Ngoài ra, hệ thống các công trình đình chùa, miếu và các dấu tích văn hóa Champa được tô điểm bởi những hàng chè tàu thẳng tắp, xanh mướt tạo nên vẻ đẹp trong lành của ngôi làng quê Việt cổ kính. Hệ thống các di tích tại làng cổ Phước Tích đều hàm chứa những nét đẹp truyền thống và những giá trị văn hóa, nhân sinh quan, thế giới quan của dân tộc.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản được các ngành, các cấp và đặc biệt sự quan tâm trực tiếp từ trung ương lại được đông đảo nhân dân ủng hộ nên hệ thống di tích, các công trình được trùng tu, tôn tạo khởi sắc, bức tranh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại làng cổ Phước Tích thật sự khởi sắc, thu được những thành tựu cực kỳ quan trọng; vấn đề bảo quản di vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích được tăng cường. Ngoài ra, công tác Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích xã Phong Hòa được quan tâm. Thực hiện đề án "Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" tại làng cổ Phước Tích giai đoạn 2015 - 2020, UBND huyện tiến hành triển khai thi công cải tạo trùng tu được 23/25 nhà vườn được phê duyệt trong danh mục, trong đó có 13 nhà loại I và 08 nhà loại II , 02 nhà loại III với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó năm 2021 đã triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật du lịch làng cổ Phước Tích với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng với các hạng mục công trình nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng quanh làng, hệ thống điện ngầm vào tận nhà dân, đường lát gạch, bãi đỗ xe du lịch…Nhờ thế, hoạt động đón tiếp khách du lịch có nhiều khởi sắc, công tác lữ hành có nhiều chuyển biến. Hơn 30 công ty lữ hành du lịch, các trường học trên địa bàn có hoạt động đưa khách về tham quan và trải nghiệm tại làng cổ Phước Tích, gắn kết thăm quan với các làng nghề truyền thống, như làng nghề Mỹ Xuyên bằng thuyền máy và xe đạp, đi thuyền và sup trên sông Ô Lâu vào ngắm cảnh và thăm sen hồ Hà Trì... Ban quản lý phối với với công ty Huế Việt tổ chức tour trải nghiệm làm trà sen, thưởng thức chè hạt sen, trải nghiệm ẩm thực, tham quan các điểm di tích... tổ trải nghiệm các dịch vụ du lịch như: cùng vào bếp với người dân Phước Tích. Hiện làng cổ Phước Tích có 12 dịch vụ tham quan trải nghiệm: Tham quan nhà rường, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch...Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích đã tổ chức thành công 04 phiên chợ Hương xưa làng cổ” thu hút được 8.992 khách về thăm quan, trải nghiệm, mua sắm... Đặc biệt tại Lễ hội Hương xưa làng cổ 2022 đã thu hút 24.700 du khách thập phương trong và ngoài nước đến với lễ hội. 

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ văn hóa- Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương để bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch dịch vụ tại làng cổ Phước Tích, Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh; huy động các nguồn lực xã hội để bảo tồn, phát huy giá trị di sản; xây dựng các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ để thu hút du khách đến làng cổ Phước Tích, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

 “Để nâng cao chất lượng dịch vụ, thời gian qua Ban quản lý Di tích Kiến trúc Nghệ thuật làng cổ Phước Tích cũng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Phong Điền tổ chức lớp tập huấn Kỹ năng đón tiếp khách du lịch cho các hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng cổ Phước Tích, trang bị các kỹ năng cơ bản về đón tiếp, phục vụ du khách, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ tại cơ sở; từng bước nâng cao hình ảnh du lịch địa phương, hướng tới sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Các hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng cổ Phước Tích được trao đổi một số kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chào hỏi khách hàng, kỹ năng phục vụ và xử lý tình huống, những kiến thức cơ bản về hoạt động du lịch, tâm lý du khách và nghệ thuật giao tiếp; các yêu cầu và kỹ năng cần thiết của hướng dẫn viên du lịch bản địa trong việc giới thiệu với du khách các điểm tham quan, lưu trú homestay tại làng cổ Phước Tích”, ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết thêm.

Tại buổi kiểm tra, khảo sát về tình hình thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch dịch vụ tại làng cổ Phước Tích mới đây, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, cho rằng làng cổ Phước Tích là điểm sáng trong cả nước về văn hóa, đã bảo tồn và giữ gìn được những nét truyền thống vốn có, một di sản quý giá và có tiềm năng để phát triển về du lịch. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản còn gặp nhiều khó khăn, với tổng số dân toàn làng có 115 hộ với 320 người; trong đó, có 100 người từ 65 tuổi trở lên, điều này gây khó khăn trong việc kế thừa gìn giữ hệ thống nhà rường cổ quý giá và nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách, kinh phí đầu tư phát triển du lịch hạn chế, chưa chủ động nguồn kinh phí trong hoạt động du lịch. Chất lượng sản phẩm du lịch còn thấp, trình độ nguồn nhân lực phục vụ du lịch đang còn thiếu và yếu về nghiệp vụ, công tác xã hội hóa trong hoạt động du lịch còn chậm, chưa mang lại kết quả cao. Vì vậy đề nghị chính quyền địa phương huyện Phong Điền phải tìm tòi, nỗ lực hơn nhằm tạo ra nét đột phá cho sự phát triển du lịch, dịch vụ gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của ngôi làng cổ Phước Tích. Bên cạnh đó tập trung đào tạo nhân lực phải có nghiệp vụ, trình độ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, để người dân nơi đây có thể sống khá lên bằng nghề du lịch; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình tạo tính hấp dẫn nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Phước Tích thật sự phải là điểm sáng về văn hóa, phát huy các giá trị bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống vốn có.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hoàng Văn Thái chia sẻ, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch dịch vụ tại làng cổ Phước Tích thời gian tới huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch làng cổ Phước Tích đến với du khách trong và ngoài nước, bên cạnh đó phối hợp với các đơn vị lữ hành du lịch để mở rộng các chương trình thăm quan và trải nghiệm. Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ đón tiếp, phục vụ và chăm sóc khách du lịch cho các tổ dịch vụ kinh doanh du lịch và tổ thuyết minh viên địa phương. Kết nối các tuor du lịch làng cổ Phước Tích với các làng nghề truyền thống lân cận như làng nghề mộc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch…Xây dựng các tour du lịch theo hướng văn hóa truyền thống tổ chức theo hướng du khách phải được sống, sinh hoạt trong không gian nhà vườn và được hướng dẫn phong tục cưới hỏi, kỵ giỗ, làm bánh ngày lễ, Tết...Thường xuyên kêu gọi đầu tư, xã hội hoá từ các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư mở rộng các dịch vụ du lịch, nâng cấp hạ tầng phục vụ du lịch tại làng cổ Phước Tích.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.294.597
Truy cập hiện tại 2.217