Tìm kiếm tin tức
Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản
Ngày cập nhật 01/06/2020

Ngày 22/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 4262/UBND-NN chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh  động vật thủy sản. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ kinh phí bảo đảm triển khai đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch phòng chống dịch bệnh và các hoạt động giám sát chủ động, bị động dịch bệnh năm 2020 theo Quyết định số 1037/KH-UBND ngày 17/5/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020. Cụ thể:

Tiếp tục rà soát, triển khai theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 10/11/2016 về giám sát chui sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 09/11/2017 giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2018-2020. Tăng cường tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường, lấy mẫu tại các nguồn cấp nước ở các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời cảnh báo, ứng phó trước tình hình xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu bất thường, góp phần hạn chế thiệt hại gây ra đồng thời hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

Tổ chức thu mẫu giám sát định kỳ các tác nhân gây bệnh (chú trọng các bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn trong nuôi trồng thủy sản) tại các vùng nuôi trọng điểm; điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân thủy sản nuôi bị chết nhiều, có dấu hiệu bất thường,.. để cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý kịp thời tại các vùng nuôi trồng thủy sản.Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch thủy sản giống xuất tỉnh và giám sát tôm giống nhập từ các tỉnh khác về nuôi; chú trọng kiểm tra, giám sát chủ động, kiểm soát dịch bệnh và chất lượng của con giống thủy sản trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về thú y, các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản, bảo đảm các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản theo yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu thủy sản để cùng phối hợp hành động, đẩy mạnh xuất khẩu; hướng dẫn, tập huấn cho người nuôi tuân thủ thả giống theo đúng lịch thời vụ và chủ động áp dụng các nguyên tắc bảo đảm an ninh sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động, xử lý ao nuôi (đặc biệt là vai trò quan trọng của xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi và xử lý nước ao trước khi thải ra môi trường) và động vật thủy sản bị mắc bệnh kịp thời, giảm thiểu sử dụng kháng sinh hoặc sử dụng kháng sinh theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; xử lý môi trường theo các quy định, hướng dẫn hiện hành.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, đặc biệt tại tuyến cơ sở, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của tất cả các nhiệm vụ như chủ động phòng bệnh, tổ chức giám sát, phát hiện dịch bệnh, lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm, cảnh báo, báo cáo, xử lý dịch bệnh.

Đồng thời, rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan, thực hiện phân công triển khai công tác thú y, thú y thủy sản. Xây dựng quy chế báo cáo, thông báo dịch bệnh giữa các cấp, ngành và giữa các đơn vị liên quan (bảo đảm đúng quy trình, biểu mẫu và thời gian báo cáo) để đảm bảo công tác thống kê, báo cáo dịch bệnh được nhanh, chính xác, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản và tuân thủ đúng quy định về báo cáo dịch bệnh động vật tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xem xét đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo dịch bệnh, chia sẻ thông tin và trong chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch bệnh động vật.

Bên cạnh đó, thực hiện khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn và đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi sản xuất, cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kế hoạch số 163/KH-UBND của UBND tỉnh. Chủ động rà soát, bổ sung nguồn hóa chất khử trùng dự phòng của địa phương để chủ động ứng phó sự cố do dịch bệnh hoặc do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra đối với nuôi trồng thủy sản.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, bệnh xảy ra bắt đầu từ tháng 02/2020, đến ngày 01/5/2020 đã có 96,8 ha bị bệnh, trong đó chủ yếu bệnh đốm trắng là 47,2 ha, môi trường là 49,6 ha (số liệu dịch bệnh đốm trắng là những mẫu có xét nghiệm), xảy ra tại địa bàn các xã thuộc 04 huyện, thị xã: Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Trà. Đặc biệt sau trận mưa lớn và rét cuối tháng 4, tôm cá chết do sốc môi trường là chủ yếu. Hiện nay, thời tiết nắng mưa thất thường, môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra.

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 867.449
Truy cập hiện tại 227