Tìm kiếm tin tức
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; dự kiến sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2036, do đó việc tận dụng và phát huy nguồn nhân lực NCT trong bối cảnh này là rất cần thiết.
Ngày cập nhật 17/10/2023

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; dự kiến sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2036, do đó việc tận dụng và phát huy nguồn nhân lực NCT trong bối cảnh này là rất cần thiết.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, theo báo cáo của Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với NCT năm 2020, phần lớn NCT nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con cháu. Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%). Khoảng 70% NCT ở Việt Nam sống tại khu vực nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp.

Ông Trương Anh Dũng- Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, hiện số NCT được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm rất ít. Các chính sách hiện nay tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc sức khỏe cho NCT, không có quy định cụ thể về các chính sách hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ việc làm. “Vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho NCT đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động sau đại dịch Covid-19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa đảm bảo quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu ASXH của đất nước”- ông Dũng cho biết.

Còn ông Phan Văn Hùng- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 221.000 NCT làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhiều NCT đã và đang khởi nghiệp thành công, khẳng định vị trí, vai trò của mình. Tuy nhiên, do chưa có các chính sách hướng dẫn cụ thể nên quá trình khởi nghiệp của NCT gặp nhiều khó khăn về đất đai, trụ sở, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, về kiến thức, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, về tiêu thụ sản phẩm, về quản lý rủi ro, về chính sách thuế...

Cũng theo thống kê của Hội Người cao tuổi Việt Nam, tỷ lệ NCT tham gia làm việc ngày càng tăng trong 20 năm qua. Năm 1999 có 19,40% NCT là nữ tham gia làm việc, 35% NCT nam làm việc thì đến năm 2020 tăng lên thành 38% và 46,10%. Giai đoạn 2010- 2020, bình quân mỗi năm lao động NCT tăng thêm khoảng 160.000 người, tương ứng tăng khoảng 4%/năm, cao hơn 2 lần so với mức tăng trưởng việc làm chung của cả nước. Kết quả nghiên cứu vào tháng 6- 8/2020 tại TP.HCM, Nghệ An và Hải Dương cho thấy, khoảng 40- 45% NCT tham gia hoạt động kinh tế. Trong đó có 3- 4% NCT là chủ DN, trang trại trồng trọt, chăn nuôi đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho NLĐ; hàng vạn NCT tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Kết quả điều tra về NCT Việt Nam cũng cho thấy, 20% NCT có nguồn thu quan trọng nhất là thu nhập qua làm việc.

Liên quan đến dạy nghề cho NCT, ông Hùng cho rằng, xã hội có quan niệm NCT cần được nghỉ ngơi, không phải là đối tượng áp dụng chế độ đào tạo nghề. Đây cũng chính là lý do mà Nhà nước không có những quy định riêng về chính sách, chế độ đào tạo nghề cho NLĐ cao tuổi, dù họ cũng là NLĐ đặc thù trong xã hội. Do vậy, cần thay đổi nhận thức về việc NCT tham gia lao động để tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường lao động vừa đem lại niềm vui, sức khỏe và đóng góp vào cho xã hội; thay đổi nhận thức của xã hội về việc NCT có thể tham gia vào thị trường lao động ở những công việc phù hợp với thể trạng và sức khỏe. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng chương trình, dự án đào tạo hỗ trợ về chuyển đổi nghề hoặc nâng cao năng lực cho lao động cao tuổi; triển khai các mô hình đào tạo tại chỗ, bảo đảm các lao động có đủ khả năng và nhu cầu được tham gia đào tạo nghề. Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo “đặc thù” phù hợp với điều kiện, khả năng tiếp thu của từng nhóm lao động cao tuổi; tổ chức đào tạo kỹ năng cơ bản về sử dụng máy tính, các phần mềm ứng dụng trong các nhóm nghề đặc thù để NCT có thể tìm và đảm nhiệm đươc công việc trong bối cảnh chuyển đổi số... Đồng thời, hỗ trợ lao động cao tuổi phát triển kinh tế hộ gia đình, khởi nghiệp sản xuất- kinh doanh tự tạo việc làm cho bản thân và những NCT khác; có cơ chế thẩm định và cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án có khả năng tạo việc làm cho NCT.

Đồng quan điểm, ông Andre Gama- Đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng cho rằng, cần thúc đẩy việc làm cho lao động cao tuổi và kéo dài thời gian làm việc thông qua việc sắp xếp công việc linh hoạt; bố trí các nhóm làm việc đa độ tuổi, khuyến khích tài chính để thúc đẩy tuyển dụng hoặc giữ lao động cao tuổi; cải cách hệ thống lương hưu giúp hệ thống an sinh xã hội bền vững và thiết lập chế độ tiền lương linh hoạt. Đặc biệt, cần đấu tranh chống chủ nghĩa tuổi tác và phân biệt đối xử với lao động nữ lớn tuổi để NLĐ cao tuổi được bình đẳng và phát huy khả năng của mình.

thuathienhue.baohiemxahoi.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.097.840
Truy cập hiện tại 991