Tìm kiếm tin tức
Ngành ngân hàng tích cực trong công cuộc chuyển đổi số
Ngày cập nhật 29/11/2023
Gian trưng bày ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh
Gian trưng bày ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh
(CTTĐT) - Chuyển đổi số ngành ngân hàng đang tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống. Thời gian qua, với sự chủ động tích cực của toàn ngành, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực.
 
 

 

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Một trong những dấu ấn quan trọng trong chuyển đổi số ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh không thể không kể đến chính là sự bức phá vượt trội trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Khi hoạt động này đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Với sự trợ lực của phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng như: công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh, thanh toán trực tuyến, xác thực sinh trắc học, phát hành thẻ kép (tích hợp đồng thời cả tính năng thẻ ghi nợ lẫn thẻ tín dụng trên cùng con chíp thẻ ngân hàng)... đã trở thành phương thức thanh toán mới được các ngân hàng triển khai đến người dân.

Hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngành Ngân hàng được nâng cấp, cải thiện, đảm bảo an toàn, bảo mật, thống nhất, đồng bộ, thông suốt hạ tầng thanh toán, không ngừng kết nối, mở rộng mạng lưới thanh toán với đối tác và các bên liên quan, triển khai đa dạng các phương thức thanh toán, mô hình kết nối mới (thanh toán qua mã QR Code, Ví điện tử, thanh toán thẻ, tài khoản thanh toán...). Các đơn vị đã hợp tác chặt chẽ và không ngừng kết nối, mở rộng mạng lưới thanh toán với đối tác và các bên liên quan (các tổ chức tín dụng khác, trung gian thanh toán, fintech, tổ chức thẻ quốc tế, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ) để triển khai thêm, đa dạng nhiều kênh thanh toán.

Với sự đồng hành của các ngân hàng thương mại triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, các đơn vị khác cũng đã tích cực kết nối hạ tầng thanh toán để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các nhóm dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia như: Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính, nộp thuế, BHXH, …

Tính đến cuối tháng 6, tổng thu thuế  qua các ngân hàng thương mại tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022; dịch vụ thu tiền điện tăng 45%; nước tăng 38%; dịch vụ thu viện phí tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2022; chi trả an sinh xã hội, thông qua tài khoản ATM cho người hưởng tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Áp dụng TTKDTM trong sử dụng dịch vụ công

Trong lĩnh vực này phải kể đến Vietcombank chi nhánh Huế thực hiện triển khai thành công giải pháp thanh toán dịch vụ y tế trực tuyến tại Bệnh viện Trung ương Huế. Qua đó cung cấp hoàn thiện dịch vụ thanh toán trực tuyến bằng đa dạng các phương thức cho toàn bộ 3 cơ sở khám chữa bệnh của Bệnh viện Trung ương Huế; triển khai thành công hệ thống bán vé điện tử trực tuyến tại Quần thể di tích cố đô Huế. Vietcombank chi nhánh Huế  cũng đã kết hợp với Trung tâm hành chính công của UBND tỉnh và thành phố Huế triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục phối hợp triển khai tốt thu phí các khách hàng giao dịch tại Trung tâm hành chính công. Phát triển đa dạng các kênh thanh toán qua Ngân hàng, khách hàng có thể thực hiện thanh toán các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua kênh thanh toán trực tiếp tại quầy với mạng lưới giao dịch rộng khắp.

Số hóa hoạt động ngân hàng

Hoạt động của ngành Ngân hàng bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế, nên có thể nói khi ngành Ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số đã thúc đẩy các ngành kinh tế khác thực hiện chuyển đổi số, cùng nhau hiện thực hoá các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.

Việc số hóa hoạt động ngân hàng góp phần cung cấp công cụ và tạo điều kiện thuận lợi hơn, cũng như rộng mở cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng.

Về phía ngân hàng, môi trường số cũng giúp việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp hơn. Việc số hóa cũng sẽ giúp cho hoạt động của hệ thống ngân hàng trở nên minh bạch hơn trong cung cấp tài chính cho nền kinh tế trên cơ sở các tiêu chuẩn quản trị khắt khe của Ngành. Số hóa cũng giúp các Ngân hàng Thương mại tối ưu hóa chi phí vận hành nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần đánh giá và quản lý tốt hơn rủi ro trong hoạt động kinh doanh tài chính, tiền tệ. Chuyển đổi số ngành Ngân hàng còn thúc đẩy tài chính toàn diện bằng việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chi nhánh NHTM đã xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ vững mạnh dựa trên công nghệ, dữ liệu và có thể tiếp cận khách hàng qua các kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác, nhiều chi nhánh NHTM có tỷ lệ trên 80% giao dịch trên kênh số như ACB CN Huế, VP Bank CN Huế, TP Bank CN Huế, … thậm chí có một số NHTM đạt tỷ lệ trên 90% như Vietcombank CN Huế, MBBank CN Huế.

Đến nay, 100% các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh có phương án triển khai giải pháp định danh điện tử EKYC cho khách hàng mở tài khoản thanh toán trên hệ thống thanh toán trực tuyến của đơn vị. Tổng số khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có mở tài khoản tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn tính đến 30/6/2023 đạt 1.623.375 khách hàng, tăng 28% so với 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, số lượng khách hàng mở tài khoản bằng phương thức eKYC đạt 334.865 khách hàng, chiếm 20,6%. Phương thức mở tài khoản này mang lại sự thuận tiện và chủ động cho khách hàng, thu hút được tệp khách hàng trẻ, năng động quan tâm, đăng ký sử dụng.


 

 

 

thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.099.039
Truy cập hiện tại 210