Tìm kiếm tin tức
Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và Khánh Hoà trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, phát triển du lịch, văn hoá, xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản
Ngày cập nhật 18/07/2024
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc
(CTTĐT) - Chiều ngày 16/7, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Khánh Hòa do đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế để trao đổi kinh nghiệm về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số; phát triển du lịch, văn hóa; xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản Cố đô gắn với thúc đẩy các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp và làm việc với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
 
 

Theo báo cáo tại buổi làm việc, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thừa Thiên Huế đạt 7,03% (xếp thứ 28/63 tỉnh/thành cả nước và 09/14 tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; cao hơn bình quân cả nước (5,05%)); thu ngân sách đạt 11.452 tỷ đồng, vượt 15% dự toán. Năm 2023: chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vị thứ 1 toàn quốc, tăng 5 bậc so với năm 2022; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 17, tăng 02 bậc so với năm 2022. Chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 8 toàn quốc, giảm 02 bậc so với năm 2022.

Năm 2023 cũng là năm Thừa Thiên Huế đạt được nhiều danh hiệu do các tổ chức quốc tế bình chọn như Thành phố Huế thuộc Top 10 thành phố điểm đến hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương; Ẩm thực Huế được vinh danh xếp hạng thứ 28/100 thành phố có nền ẩm thực ngon nhất thế giới; 02 món ăn là Mè Xửng và Cơm hến thuộc Top 10 về đặc sản quà tặng và món ăn của châu Á; trong nước, Tỉnh tiếp tục nhận được giải thưởng Sao Khuê trong lĩnh vực chuyển đổi số;...

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,01%  (cùng kỳ năm 2023: 6,61%); trong đó: Du lịch, dịch vụ tăng trưởng khá với mức tăng 6,95%. Doanh thu du lịch  đạt 4.300 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch đến Huế đạt gần 2 triệu lượt , tăng 24,6% so với cùng kỳ; khách lưu trú đạt hơn 983 nghìn lượt, tăng gần 36% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt hơn 361 nghìn lượt). Thu ngân sách đạt 6.001 tỷ đồng, tăng 21,2% , bằng 50,9% dự toán; chi ngân sách nhà nước đạt 6.198 tỷ đồng, đạt 39% dự toán. Giá trị xuất khẩu đạt 600 triệu USD, tăng 17,4%. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc. Tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo, nhất là tuần lễ Festival Huế và các hoạt động lễ hội trong khuôn khổ Festival 2024.

Nhằm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh là con đường phù hợp nhất để tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh cho phát triển bền vững; đồng thời, là cơ sở, điều kiện thuận lợi để Thừa Thiên Huế bảo vệ, giữ gìn và phát huy được giá trị quần thể di tích, di sản có quy mô lớn nhất, mang tính toàn vẹn, điển hình nhất của Việt Nam, góp phần gìn giữ, củng cố bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế và nâng cao giá trị, sức thu hút của điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình chia sẻ tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Tỉnh uỷ Khánh Hoà bày tỏ ấn tượng với những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua. Hai bên đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tập trung các nội dung về việc xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; Kinh nghiệm về giải pháp thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.Tìm hiểu các thành phần cơ bản của hệ sinh thái chuyển đổi số Huế. Đặc biệt, lãnh đạo hai bên đã dành nhiều thời gian để chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số như: việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; kho dữ liệu số; trung tâm điều hành thông minh; xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, chính sách thu hút nhân lực công nghệ thông tin, chính sách đào tạo nhân lực CNTT.

Chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, trong thời gian qua, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả nhất định trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Thừa Thiên Huế đang tích cực triển khai trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nhìn từ thực tế cho thấy, việc xây dựng chính quyền số tại Thừa Thiên Huế đang có nhiều thuận lợi để phát triển; tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng được việc chuyển đổi số toàn diện thì Thừa Thiên Huế tập trung bám sát theo định hướng của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành để phối hợp triển khai thực hiện, tạo các giải pháp đồng bộ, liên kết dữ liệu của các ngành, lĩnh vực phục vụ nhiệm vụ trong triển khai chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cũng chia sẻ về định hướng trong thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, qua đó cần có sự đánh giá, rà soát cụ thể để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong thực hiện.

Tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng, tỉnh kết hợp nhiều tập đoàn viễn thông chia sẻ phân khúc và nền tảng công nghệ và ký kết lâu dài với tập đoàn Vietel để thúc đẩy chuyển đổi số. Bên cạnh đó, ý chí lãnh đạo rất quan trọng để bác bỏ sức ỳ nếp cũ phải quyết tâm vào cuộc, đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong công tác chỉ đạo, điều hành. Về vấn đề văn hóa, hai nhiệm kỳ liên tục có Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hoá, du lịch với mục tiêu là phát huy bản sắc văn hóa địa phương, nâng cao hiệu quả các phong trào văn hóa. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang làm tốt duy trì phong trào Chủ nhật Xanh, phát triển cảnh quan đô thị Xanh, làng xã Xanh, huy động lực lượng xung kích chung tay xây dựng Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch - sáng. Phát huy các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể, duy trì Lễ hội Festival.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng nêu lên một số vấn đề về xây dựng đô thị, quy định rõ trong quy hoạch đô thị, chia sẻ việc lựa chọn mô hình rất quan trọng, có sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, trưng cầu dân ý về các chủ đề mô hình thành phố, đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Trung ương. Về thể chế, Thừa Thiên Huế thuận lợi được đặc thù về tiêu chí thành phố di sản nên tỉnh cần lựa chọn thế mạnh để làm tiêu chí.Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW, nhiều chính sách, nhiều kế hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được ban hành nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất cố đô.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa – Nguyễn Hải Ninh trao đổi, đánh giá cao những kinh nghiệm Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chia sẻ, đây là những kinh nghiệm quý trong lĩnh vực chuyển đổi số, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong công tác triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và đã có bước phát triển vượt bậc. Qua đó, với những kết quả đạt được trong chuyển đổi số đã tạo nên một diện mạo mới, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh…đã đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa – Nguyễn Hải Ninh cũng nêu lên một số điểm chung về phát triển văn hoá, du lịch của hai địa phương. Yếu tố văn hóa trong du lịch là yếu tố quan trọng, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch, lập hồ sơ một số di tích thành di sản, tỉnh sẽ học tập Thừa Thiên Huế về vấn đề này. Với những cách làm hay, sáng tạo, đột phá của tỉnh Thừa Thiên Huế trong chuyển đổi số sẽ là kinh nghiệm quý báu để tỉnh Khánh Hoà nghiên cứu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Lãnh đạo hai tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.664.580
Truy cập hiện tại 363