Tìm kiếm tin tức
Hướng dẫn tính thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng BHXH
Ngày cập nhật 08/12/2020

Bộ LĐTB&XH có Công văn 3595/LĐTBXH-BHXH ngày 18/9/2020 hướng dẫn tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995

Theo đó, hướng dẫn tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995, như sau:

Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH.  

Việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân theo quy định tại khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CPThông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

1. Cơ quan BHXH căn cứ vào hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 để xem xét tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 đối với người lao động, bao gồm các giấy tờ sau:

- Hợp đồng lao động hoặc Quyết định tuyển dụng;

- Các Quyết định nâng lương, chuyển xếp lương;

- Quyết định điều động hoặc Quyết định chuyển công tác;

- Quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành;

- Quyết định nghỉ chờ việc;

- Quyết định nghỉ việc hoặc chấm dứt Hợp đồng lao động;

- Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có).

2. Trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 thì việc xem xét, quyết định tính hoặc không tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 là thời gian công tác đã đóng BHXH đối với người lao động do BHXH Việt Nam quyết định, dựa trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động và các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác đề nghị tính hưởng BHXH để đối chiếu như:

Lý lịch Đảng viên, Lý lịch đoàn viên, sổ lao động, danh sách lao động, sổ theo dõi, danh sách chi trả lương, sổ lương thực, giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương, văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ giải quyết chế độ của người lao động khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

3. Nội dung văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động bao gồm các thông tin: lý do không còn hồ sơ gốc của người lao động, thời điểm tuyển dụng, diễn biến quá trình công tác, diễn biến tiền lương của người lao động; việc người lao động chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, lý do chưa được giải quyết; lý do gián đoạn hoặc nghỉ việc và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý trong việc giải quyết chế độ tại thời điểm nghỉ việc đối với người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01/01/1995.

Văn bản xác nhận phải được lập bởi cơ quan tuyển dụng và quản lý người lao động (trường hợp cơ quan quản lý đã giải thể thì cơ quan quản lý cấp trên thực hiện việc xác nhận) và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận.

4. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH đối với người không còn hồ sơ gốc được thực hiện kể từ ngày BHXH Việt Nam có văn bản đồng ý.

Công văn 3595/LĐTBXH-BHXH được Bộ LĐTB&XH ban hành ngày 18/9/2020.

Theo nguồn: https://thuvienphapluat.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 937.169
Truy cập hiện tại 179